Đàogiatrang's Blog

Gia đình là tất cả!

Tag Archives: Gia đình

Những nụ yêu thương

Hai chị em chơi với nhau tương đối ngoan, chỉ thỉnh thoảng khi Linh Chi chỉ dẫn cho Linh Đan nên chơi một trò chơi nào đó thế này mà Đan lại làm thành thế khác do không hiểu ý chị, đã thế cái trò không hiểu, hay không chịu hiểu này lại chỉ có một sức chịu đựng rất nhỏ, Đan thấy Chi cứ nói nhiều quá, đòi hỏi nhiêu khê quá , lại còn bắt đầu cao giọng với Đan là nàng không chịu được, thế là nàng chỉ chờ chị Linh Chi giằng lại đồ chơi trong tay nàng để xếp theo ý chị là “bợp!” chị Linh Chi ăn chưởng ngay, mà nàng xuống tay vừa nhanh vừa mạnh, chị Linh Chi choáng váng rụng rời khóc tu tu, còn nàng lúc đó ngồi tỉnh bơ chơi tiếp. Mẹ nói chỉ thỉnh thoảng mới thế thôi chứ hầu hết là những ngày hai chị em chơi với nhau rất hợp, chị Linh Chi cho em ngồi giữa giường, đưa cho em một cuốn sách em thích, quấn quanh người em toàn bộ chăn đệm trong nhà, làm thành một cái ổ ấm áp, chị bảo lúc đấy em là nữ hoàng ngồi trên ngai vàng.

Đấy là lúc chơi, còn những khi cả hai chị em cần phải dọn cái đống đồ chơi, sách truyện hay giấy bút thủ công bày la liệt khắp nơi thì chị Linh Chi lại cùng em ra điều kiện ai làm xong trước sẽ được xem tivi, sẽ được mở tủ lạnh chọn đồ ăn trước, sẽ được mẹ đọc cho nghe một cuốn truyện tranh mà người thắng thích nhất… nói chung là vô cùng nhiều giải thưởng hấp dẫn.

Ấy thế mà hôm qua có một giải thưởng được đặt ra làm mẹ giật cả mình, một giải thưởng mẹ không hề ngờ tới, một giải thưởng nghe qua thấy cực kỳ đơn giản mà sao lại làm mẹ nhiều suy nghĩ đến thế, giải thưởng thế này: -Ai dọn nhà xong sẽ được mẹ hôn! Thế là sau khi tự đặt ra “giải thưởng” ấy, cả chị lẫn em dọn cuống dọn cuồng, chạy tới chạy lui trong nhà hùng hục để đưa các đồ đạc bị hai chị em trước đó bày tung ra khắp nhà vào nơi quy định, rồi chị quát em đồ để không đúng chỗ, (để câu giờ), em quát chị làm vướng chân em (cũng để câu giờ), cả hai đứa, đứa nào cũng sợ đứa kia chạy ra mẹ trước. Mẹ thì đang bận làm bếp mà vẫn phải nghiêng ngó lắng nghe xem hai đứa cư xử với nhau thế nào, thế rồi đương nhiên là Linh Chi xong trước, chạy ra xin: -Mẹ hôn con đi! em Linh Đan chạy theo sau cũng nức nở: -Mẹ ơi hôn con trước! Hôn hai con xong mẹ ngơ ngẩn cả người, chả nhẽ mẹ lại ít hôn các con đến thế, chả nhẽ các con phải treo giải để được mẹ hôn, chả nhẽ, chả nhẽ… cảm xúc trong mẹ lẫn lộn.

Mẹ nhớ những  buổi tối đưa các con lên giường, đứa nào cũng chờ nụ hôn chúc ngủ ngon của mẹ, đứa nào cũng vừa kéo chăn vừa tủm tỉm cười sau khi mẹ hôn. Có một lần sau khi được mẹ hôn Linh Chi thắc mắc: -Mẹ ơi, sao mẹ lại hôn khác bà Dagmar, khi bà hôn con bà chỉ đặt môi lên má con hôn đánh chụt 1 cái! -Thế mẹ thì sao??? – Mẹ lúc nào cũng hôn thật lâu, thật lâu, lại cứ như là đang ngửi con ý!

Mẹ lăn ra cười vì cái thắc mắc của Linh Chi: – Tại sao người ta lại gọi là hôn hít, vừa hôn lại vừa hít, là vì khi hôn ai đó, ko chỉ đơn giản là đặt một nụ hôn lên má, chạm đôi môi của mình vào má ai đó rồi rời ra ngay, khi mình hôn là khi mình còn hít cả hương của làn da, hít cả mùi tự nhiên của cơ thể người mình thương yêu nữa, vì thế “tuy các con hơi thối thối” (mẹ hạ giọng nhấn mạnh làm Linh Chi sướng cười khinh khích) mẹ vẫn muốn hít ngửi mùi hương của các con, những người mẹ yêu thương nhất trên đời, mẹ muốn cảm nhận và lưu giữ mùi hương của các con thật là lâu, thế gọi là hôn hít!

Linh Chi nghe xong vít lấy cổ mẹ, rúc mặt vào rồi hít một hơi thật dài…

Mẹ con mình vẫn thường hôn nhau ở bất cứ đâu, ở trong buồng tắm khi mẹ vừa kết thúc các khoản kỳ cọ, xối nước, lau khô làn da non nớt thơm tho của các con, ở trong bếp khi các con chạy vào xin mẹ miếng bánh, ở trên tàu khi mẹ con mình ngồi bình yên ngắm phố phường trôi qua trước mặt… bất cứ ở đâu… Thế mà dường như vẫn là chưa đủ đối với các con, nụ hôn của mẹ vẫn là giải thưởng vô cùng hấp dẫn, mà mẹ thì không muốn nó là giải thưởng, mẹ mong nó chỉ là một trong những thứ các con cần như cơm ăn nước uống hàng ngày mà thôi, nghĩa là bất cứ khi nào các con cần là có nụ hôn của mẹ, hay kể cả khi các con không cần mẹ cũng vẫn sẵn sàng hôn, hihihi…

Vậy đi nhé, đừng treo giải những nụ hôn miễn phí của mẹ nữa nhé!

Hic… giá mà tôi có thêm nhiều cái miệng nữa nhỉ, để hôn cho đã những người tôi yêu thương!

Hoài cổ

Mình vừa tìm lại được mấy cái ảnh này đây, tại mọi người điều động  mình ghê quá, lúc thì Sâu điều mình sang bảo tàng Lịch sử, lúc H. lại cử về bảo tàng Dân tộc học, chạy đứt cả hơi mà vẫn chưa “đúng ngạch”, nên thôi, xin cho mình về lại cơ quan cũ cho yên thân nhé. Và bởi cả nhà nhắc nhiều đến Bảo tàng nên làm mình nhớ, nhớ quá đây này!

heyà!!!

Và vì vậy xin đặt tên cho entry này là “Hoài cổ” nhé, vì rằng mới đó mà đã hơn 10 năm rùi, xưa lắm rồi cái thời mắt đỏ-ý nhầm, môi đỏ, má hồng, mắt nhìn xa xăm… chắc giờ nhìn ảnh thì mọi người đã đoán ra được là mình đã từng làm ở đâu và công việc của mình là gì rồi đúng không! hihihi… yêu công việc của mình lắm, ra đi mình cũng rất tiếc, mà giờ thì cũng đã an bài rồi, hic hic… và hic…

Bật mí thêm chút nữa nha, Cô H bảo là mình phải làm ở Bảo tàng đẹp nhất Việt Nam thì cũng đúng phần nào đó, bởi có “Ai đó” nói là “Em làm ở chỗ đẹp nhất Hà Nội còn gì”

Rằm tháng Bảy

Không hiểu sao cứ như được nhắc, tuần trước tự nhiên ra ngó lịch xem ngày âm đến đâu rồi, sống ở đây chả để ý vì toàn dùng lịch dương, bà ngoại còn phải gửi cả cuốn lịch từ VN sang cho dùng vì lịch ấy mới có in ngày âm. Hôm kia đang ngồi ăn cơm, lại sực nhớ vội bỏ bát cơm chạy ra ngó lịch, oái, hôm sau đã là Rằm rồi, quên mất nên chưa đi chợ gì cả. Thế là sáng hôm sau, đưa Đan vào lớp xong là mình phi ngay ra chợ, các thứ đủ cả, chỉ thiếu mỗi ngô, chẳng còn thời gian đi chợ khác nữa nên thôi, về nhà soạn sửa. Mình làm một mâm nho nhỏ cỗ mặn, to nhất là nồi canh măng ngan, rồi nấu một nồi xôi vò, kèm chè hoa cau, không thể thiếu một nồi cháo hoa cúng chúng sinh nữa… Thế là thấy nhà cửa đã tưng bừng lên rồi.
Bày biện mâm cúng mặn lên ban thờ gia tiên xong, lại khệ nệ bưng mâm cỗ cúng chúng sinh ra cửa, sai Linh Chi chạy ra cửa chính của khu nhà cài chốt mở rộng cửa ra, thế rồi mấy mẹ con xúm xít thắp hương. Có cuốn Khấn nôm mua hồi về VN, mình giở ra đọc một mạch, công nhận có cuốn ấy hay thật, họ viết đâu ra đấy, câu chữ rất đầy đủ rành mạch, khấn xong cũng thấy nhẹ cả người. Vừa quay vào nhà dọn dẹp sơ cái bếp thì nghe tiếng Linh Chi nói chuyện với ai đó ngoài cửa, một lúc sau quay ra Linh Chi liền kể: -Ông hàng xóm hỏi thăm mẹ ạ, ông bảo hôm nay nhà mình có gì đặc biệt thế, con bảo nhà cháu hôm nay cúng ma, hình như ông hơi sợ mẹ ạ, ông không dám mở to cửa, chỉ he hé ngó cái đầu ra thôi, xong ông vội đóng ngay vào! Ối giời ôi, quên ko dặn con nếu có ai hỏi thì bảo cúng Trời Đất thôi, phong tục nước tôi nó thế, chứ nói thế kia thì người ta sợ là phải, hì hì… Tại mình cũng có kể sơ sơ cho Linh Chi Linh Đan biết ý nghĩa của ngày Rằm tháng 7 là như thế nào.
Ngày Rằm tháng 7 nhằm vào tiết Trung Nguyên, là tiết của dịp “xá tội vong nhân” nơi Âm phủ. Theo các cụ, ngày Rằm tháng 7 hàng năm, mọi tội nhân dưới cõi Âm, trong đó có những vong linh của gia đình, họ tộc mình đang bị giam cầm nơi địa ngục được xá tội và ra khỏi Âm phủ lên Dương gian. Vì vậy, các gia đình ở Dương gian làm cỗ bàn để cầu siên độ trì cho họ. Ngoài cúng Gia tiên nhà mình, các nhà còn làm thêm 1 mâm cúng ngoài sân, trước thềm nhà… để cúng các cô hồn, ma đói… những vong linh “Không nơi nương tựa”, không còn ai cầu cúng cho họ.
Đại thể trong cuốn Văn khấn nôm họ viết như vậy.

Sau khi hương tàn một nửa, mình xin các cụ cho dọn ngay vào nhà vì sợ để lâu hàng xóm ra vào nhìn thấy lại hoảng, thế là hai con sà vào phá cỗ, giá mà ở VN là gọi cả trẻ con hàng xóm sang phá cùng rồi đấy!

Vừa húp cháo Linh Chi vừa hỏi: -Mẹ ơi, thế mình có mời cả người xấu ăn không hả mẹ? -Có chứ, vì dù sao họ cũng chết rồi, và họ sẽ phải thay đổi để sau này sinh ra lại một lần nữa, họ sẽ sống tốt hơn!

Linh Chi gật gù rồi lại cúi xuống ăn tiếp.